Vợ bỏ rơi cha con anh không một lần liên lạc, một thân “gà trống” tật nguyền bươn chải nuôi con thiểu năng trí tuệ, cuộc sống của cha con anh Cao Văn Lâm (xóm Vinh Quang, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), khó khăn trăm chiều.
Vợ ầm thầm bỏ mặc con anh
Chúng tôi tìm đến nhà anh Lâm vào một buổi sáng, căn nhà cấp bốn xiêu vẹo nằm im lìm dưới lùm tre già. Mái ngói đen đúa phủ đầy lá khô úp trên bốn bức tường đã bị thủng lỗ chỗ. Đẩy nhẹ cánh cửa khép hở, tiếng kẽo kẹt nghe thật não nề kéo theo tràng bụi do mối đục.
Anh Lâm húng hắng ho rồi nặng nề ôm chiếc gậy lê từng bước ra khỏi chiếc giường cũ kỹ. Cả căn nhà trống huơ trống hoác không có gì giá trị ngoài bộ bàn ghế uống nước cũ và chiếc tivi hỏng.
“Nghe thấy tiếng người gọi rồi nhưng mấy hôm nay trở trời, cả người tôi đau nhức nên phải nằm liệt trên giường. Gắng mãi mới nấu được nồi cơm đang chờ thằng Hoàng về rồi cha con cùng ăn. Từ ngày mắc bệnh, việc đi lại khó khăn, hễ trái gió trở trời là toàn thân đau nhức không tài chi cử động được”, anh Lâm bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.
Anh là con thứ 6 trong gia đình có tới 11 anh chị em. Vì nhà đông con sống giữa vùng đất đồi cằn cỗi nên các anh chị em đều phải nghỉ học giữa chừng để kiếm kế mưu sinh. Riêng bản thân anh Lâm, có được tấm bằng lái xe ô tô sau một khóa học nghề vào năm 2005 và đi chạy xe tải thuê.
Ra Hải Phòng làm việc được vài năm, anh kết bạn rồi nên nghĩa vợ chồng với một cô gái người bản xứ. Cuộc sống gia đình êm ấm cứ thế dần trôi đi và hai đứa con trai kháu khỉnh lần lượt ra đời vào năm 2009 và 2011.
Nhưng từ khi đứa con thứ hai chào đời thì cơ thể anh bắt đầu có những cơn đau nhức dọc sống lưng và đôi chân. Những cơn đau tăng dần về tần suất và cường độ khiến anh gần như không đi lại được chỉ trong vòng vài tháng sau khi phát bệnh.
Anh đi khắp các bệnh viện thăm khám nhưng bác sỹ lắc đầu không tìm ra căn nguyên của căn bệnh mà anh đang phải gánh chịu.
Cứ như thế, đôi chân của người đàn ông trai tráng dần bị liệt hẳn giờ chỉ còn biết dựa vào chiếc gậy. Nghề lái xe kiếm cơm duy nhất cho gia đình cũng từ đó mà mất.
Đau lòng hơn khi anh mắc bệnh thì đứa con trai đầu lòng là cháu Cao Văn Minh Hoàng càng lớn càng có nhiều biểu hiện phát triển chậm về trí tuệ.
Trong lúc cùng cực nhất với bệnh tật anh lại gánh thêm nỗi đau tinh thần gấp bội khi người vợ mà anh vốn rất yêu thương ngày một dần xa lánh anh và đứa con trai thiểu năng trí tuệ.
“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”
Anh như rơi vào hố sâu tuyệt vọng khi không biết phải làm gì để thay đổi thực tại mà anh đang đối mặt. Thời gian cứ tiếp tục trôi đi, chút tiền dành dụm ít ỏi từ những năm đi lái xe dồn vào việc chữa trị đôi chân cho anh dần cũng cạn.
Sau nhiều lần ngược xuôi tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, các bác sĩ đã kết luận rằng, anh mắc hội chứng thắt lưng hông, chỉ có thể làm thuyên giảm chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, suốt quãng đời còn lại, anh phải sử dụng nạng gỗ để di chuyển.
Đến năm 2013, bệnh chưa khỏi nhưng số tiền dành dụm đã hết sạch, người vợ bỏ đi để lại cha con bệnh tật, anh đành trở về ngôi nhà bố mẹ ruột ở quê đã qua đời để lại.
Đến năm 2016, vợ của anh chính thức li hôn với anh. Cảnh “gà trống” nuôi con bệnh tật đày đọa khiến cuộc sống của cha con anh càng thêm khốn khó.
“Từ ngày mẹ cháu bỏ đi, hai cha con dựa vào nhau mà bữa rau bữa cháo qua ngày, còn tiền để chữa bệnh cho cháu Hoàng thì đành chịu. Vì thế bệnh của cháu ngày càng nặng hơn. Cháu đi học nhưng mãi chẳng tiếp thu được kiến thức gì.
Không những thế, những lúc trái gió trở trời bệnh tái phát nặng cháu còn bỏ đi lang thang, cũng may được bà con xóm làng giúp đỡ đón cháu về. Thân làm cha mà không thể chăm lo cho con được đầy đủ, thật tình tôi chỉ biết trách sao số phận đối xử quá bất công với cha con tôi như vậy. Thân tôi bị bệnh tôi có thể chịu được nhưng thằng Hoàng nó có làm gì nên tội đâu, sao lại bắt nó chịu khổ như vậy!”, anh Lâm than thở.
Nói đến đây, anh Lâm nín lặng rồi cúi gầm xuống, tôi chỉ thấy vài giọt nước mắt lã chã rơi xuống. Có lẽ điều khiến anh cảm thấy đau xót nhất lúc này chính là đứa con trai tội nghiệp mãi cứ ngây ngô không thể lớn được.
Giá như anh có một khoản tiền hoặc Hoàng được sinh ra trong một gia đình có kinh tế khá thì bệnh tình của cháu chắc chắn sẽ không nặng đến như vậy. Nhưng điều kiện hiện tại thì cha con anh vẫn đang phải chạy ăn từng bữa, biết lấy đâu ra tiền cho cháu chữa bệnh. Nỗi khổ tâm của người cha chỉ biết dồn nén trong tiếng thở dài não nề.
Thương hoàn cảnh của cha con anh địa phương cũng đã tìm mọi phương án hỗ trợ cho gia đình anh. Nhiều năm liền gia đình anh đều thuộc diện hộ nghèo và được vay vốn để chăn nuôi. Nhưng ngặt nỗi lứa lợn từ số tiền vay hộ nghèo nửa bị bệnh lại trúng đợt rớt giá thê thảm nên anh phải bán lỗ lại còn thêm khoản nợ ngân hàng.
Anh chị em trong nhà cũng thương cha con anh nên chia cho mỗi người một ít đất rồi lại nhận khoán làm lại trả tiền, trả gạo cho cha con anh ăn hàng ngày. Anh không đi lại được hàng xóm cũng giúp anh hàng ngày đến đưa đón cháu Hoàng đi học. Năm nay đã 9 tuổi nhưng Hoàng chỉ mới học lớp 2, bởi cháu học nhưng không tiếp thu được kiến thức nên học lớp 1 học lại mấy năm liền.
Lúc chúng tôi chuẩn bị ra về cũng là lúc Hoàng được người hàng xóm chở về. Cậu bé 9 tuổi nhưng người gầy gò, đen đúa như một đứa trẻ lên 4 lên 5, manh áo sờn cũ sổ chỉ hở cả một khúc cánh tay nhỏ xíu càng khiến tôi không khỏi thương cảm. Khuôn mặt Hoàng đầy vẻ ngây ngô đến mức không biết chào khách mà vội vứt chiếc cặp vào giường là lại chạy ra cổng nghịch đất.
Đôi mắt đỏ ngàu anh Lâm giãi bày: “Tôi chỉ mong sao có ít kinh tế trả nợ và đưa cháu đi bệnh viện chữa trị. Rồi có vốn chăn nuôi lại để kiếm kế mưu sinh chứ không thể cha con tôi bị tật nguyền mà trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội được”.