Ngày 25/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có quyết định số 136/CT thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam (đến năm 2018 được đổi tên thành Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam). 30 năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; từng bước trưởng thành về tổ chức, chất lượng và hiệu quả hoạt động; khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của Hội trong lĩnh vực hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội, tập trung vận động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế, từ cộng đồng người Việt trong và ngoài nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp cho  người khuyết tật, trẻ mồ côi. Các hoạt động của Hội đã góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa Quyết định của Chính phủ khi cho phép thành lập Hội cũng như những kết quả  hoạt động Hội đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại, đúc rút thành bài học kinh nghiệm để từ đó, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, sứ mệnh của tổ chức Hội trong công tác vận động nguồn lực xã hội góp phần tích cực vào việc bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi, tạo điều kiện cho họ từng bước cải thiện cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Chặng đường 30 năm hình thành và phát triển của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam được chia thành 5 giai đoạn ứng với 5 nhiệm kỳ Đại hội:

- Nhiệm kỳ I (1992 - 2002): Xây dựng nền móng, phát triển tổ chức Hội

- Nhiệm kỳ II (2003 - 2007): Khởi xướng các chương trình hoạt động

- Nhiệm kỳ III (2007 – 2012): Đổi mới hình thức và đẩy mạnh các chương trình hoạt động của Hội.

- Nhiệm kỳ IV (2012- 2017): Bước phát triển mang tính bền vững.

- Nhiệm kỳ V (2017 - 2021): Nâng cao chất lượng, hiệu quả, lan tỏa giá trị nhân văn tới cộng đồng

Nhiệm kỳ I (1992 - 2002)

Hội ra đời trong bối cảnh đất nước ta đang ở giai đoạn đầu chuyển đổi nền kinh tế - xã hội tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 6 năm đổi mới, mặc dù đạt được một số kết quả đáng mừng trong phát triển kinh tế, nhưng chiến tranh và cuộc khủng hoảng kinh tế trước đổi mới vẫn để lại hậu quả hết sức nặng nề, nguồn lực, khả năng của ngân sách nhà nước còn khó khăn, tạo ra gánh nặng lớn về an sinh xã hội. Vì thế, việc quan tâm đến chính sách xã hội mới chỉ có thể tập trung trợ giúp đối với những người có công với cách mạng, thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Thời điểm đó, nước ta có hơn 5 triệu người khuyết tật, hơn 155.000 trẻ mồ côi, hầu hết còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ tình hình đó đòi hỏi phải thực hiện chính sách xã hội hóa, thành lập Hội xã hội tự nguyện để quan tâm tới việc bảo vệ, chăm sóc trợ giúp cho các đối tượng đặc biệt khó khăn này.

Thời gian mới thành lập, Hội hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn về trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện đi lại, tổ chức Hội ở các địa phương còn quá mỏng. Hoạt động Hội chưa có định hướng cụ thể, chủ yếu là tập trung tuyên truyền và vận động tài trợ bằng vật chất theo tinh thần từ thiện “Cho gì nhận nấy, có gì giúp nấy”.

Xác định việc mở rộng mạng lưới tổ chức có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động Hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ và kỳ vọng của Đảng và Nhà nước khi thành lập Hội, Giáo sư Phạm Khuê - Chủ tịch Trung ương Hội, bà Hoàng Lan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký đã không ngừng trăn trở, vận dụng mọi mối quan hệ, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, thuyết phục cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm thành lập tổ chức Hội cũng như lựa chọn, vận động nhân sự tham gia hoạt động… Bước chân của những người lãnh đạo, cán bộ Trung ương Hội thế hệ đầu tiên đã in dấu khắp các tỉnh, thành trong cả nước để tìm cách gây dựng, mở rộng mạng lưới Hội; đến những vùng miền xa xôi, khó khăn nhất để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đối tượng, gửi trao những món quà tuy nhỏ bé mà ấm áp nghĩa tình.  

Chính nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của những người cán bộ TW Hội đầu tiên đó và sự hưởng ứng của địa phương, trong nhiệm kỳ I Hội đã thành lập được tổ chức hội thành viên ở 29 tỉnh, thành phố, 56 tổ chức hội cấp huyện và 258 xã, phường và 10 tỉnh đã có Ban vận động thành lập Hội. Đây là thành công lớn nhất của nhiệm kỳ I, trở thành nền tảng vững chắc cho những bước phát triển sau này của Hội. Với sự ra đời của Pháp lệnh về người tàn tật (1998) cùng với mạng lưới tổ chức được hình thành giúp Hội có thêm sức mạnh, nhân lực, ý tưởng tổ chức một số hoạt động bảo trợ như: dạy nghề (chủ yếu là các nghề thủ công truyền thống), cho vay vốn làm kinh tế, khám chữa bệnh miễn phí, thăm hỏi tặng quà…

Các cấp Hội tích cực triển khai công tác vận động xây dựng quỹ thông qua một số hình thức như: vận động quyên góp vào dịp kỷ niệm, xổ số gây quỹ, đặt hòm từ thiện ở một số địa điểm công cộng, vận động doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc hoặc nhận bao tiêu sản phẩm…. Hội cũng chú ý tìm kiếm nhà tài trợ nước ngoài, tuy kết quả còn khiêm tốn nhưng đã đánh dấu bước khởi đầu cho hoạt động hợp tác quốc tế, vận động quỹ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Nhiệm kỳ II (2002 - 2007)

Nhiệm kỳ II của Hội hoạt động trong giai đoạn đánh dấu sự ra đời của hàng loạt định hướng chính sách và các văn bản pháp luật liên quan đến NKT, TMC như: 7 lĩnh vực ưu tiên của NKT khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp người tàn tật trong tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay; Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006 - 2010; Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 2006 - 2010; Công ước quốc tế về quyền của NKT năm 2006….

Lãnh đạo Hội nhiệm kỳ II gồm: Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Thị Xuân Mỹ - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Đình Liêu khi đó vẫn đương nhiệm Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Phó Chủ tịch Bùi Duy Thụ. Bộ máy lãnh đạo khóa mới có những tầm nhìn chiến lược, có kinh nghiệm về quản lý, am hiểu về chính sách, tâm huyết với công tác xã hội cùng với đội ngũ cán bộ được tăng cường. Đây là những tiền đề quan trọng cho hoạt động Hội bắt đầu đi vào giai đoạn khởi sắc.

Nhiệm kỳ II đã khởi xướng 5 chương trình hoạt động trọng tâm của Hội: (1) Phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng; (2) Mổ mắt thay thuỷ tinh thể cho người khiếm thị thuộc hộ nghèo; (3) Dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, (4) Tặng xe lăn và phương tiện trợ giúp đi lại; (5) Tặng xe đạp cho trẻ mồ côi. Hoạt động Hội bắt đầu hình thành những hướng đi rõ nét hơn, có kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho mỗi chương trình. 5 chương trình được thống nhất triển khai rộng khắp trong các tổ chức Hội; ở các tỉnh, thành Hội có bổ sung kế hoạch cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở địa phương.

Hội sáng tạo nhiều hoạt động mới như: xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; trợ cấp thường xuyên cho đối tượng không thuộc diện bảo trợ xã hội của Nhà nước; cấp học bổng, đồ dùng học tập, bắt đầu khai thác học bổng dài hạn cho sinh viên nghèo; dạy chữ, dạy văn hoá… Nhiệm kỳ II còn khởi xướng và phối hợp tổ chức hàng loạt hoạt động tuyên truyền như: Chương trình giao lưu truyền hình trực tiếp “Một trái tim - Một thế giới” năm 2004 và từ đó đến nay đã thành “thương hiệu” của Hội, được tổ chức thường niên vào dịp Kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4; Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ I năm 2004, từ đó được tổ chức định kỳ 3 năm một lần; Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” lần 2 năm 2006...

Sau 3 số bản tin Bảo trợ - từ thiện, Tạp chí Người Bảo trợ ra đời năm 2004 đã trở thành kênh thông tin tuyên truyền quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động Hội. Đồng thời tạp chí còn tham gia vào sự thành công của nhiều chương trình do Hội tổ chức. Hoạt động Hội bắt đầu có sự quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của NKT bằng việc tổ chức các hội thi văn nghệ, vẽ tranh,  thể thao…

Công tác vận động xây dựng quỹ Hội nhiệm kỳ này đã có sự phát triển vượt bậc với sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ bằng tiền và hiện vật từ các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Mở rộng, phát triển nhiều mối quan hệ hợp tác với các tổ chức từ thiện tài trợ nước ngoài có hiệu quả cao. Quỹ Hội được hình thành và phát triển ở Trung ương, các tỉnh, thành Hội và mở rộng đến Hội cấp quận, huyện, xã phường, thị trấn (gọi tắt là cơ sở) góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu trợ giúp từng bước, cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật và trẻ mồ côi.

        Hội đã dành sự quan tâm đến việc củng cố và phát triển tổ chức Hội với việc thành lập mới và tổ chức lại 8 tỉnh, thành Hội, đưa tổng số lên 37/63 tỉnh, thành phố có tổ chức Hội. Hội đã xây dựng mối quan hệ, hợp tác gắn bó hơn với cơ quan Nhà nước, nhiều tổ chức khác đặc biệt là ngành LĐTB&XH. Trung ương Hội đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề về dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, đây là một nội dung hoạt động mới đáp ứng được phần nào nhu cầu nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm của cán bộ Hội. Hội cũng bắt đầu tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, phản biện chính sách Nhà nước về lĩnh vực người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Nhiệm kỳ III (2007 - 2012):

Luật Người khuyết tật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 với cách tiếp cận mới đối với vấn đề người khuyết tật. Thực tế đó đòi hỏi phương thức hoạt động trợ giúp NKT cần được chuyển từ nhân đạo thuần túy sang nhân quyền. Nghị định 45/2010/NĐ- CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội có chương riêng về Hội có tính chất đặc thù và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã được Nhà nước xác định là Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Hội gồm Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu và hai Phó Chủ tịch là bà Hoàng Diệu Tuyết, ông Phan Văn Lộc và đặc biệt Chủ tịch danh dự - Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ được đặt niềm tin, đưa hoạt động Hội đến bước phát triển với tầm cao mới, hiệu quả hơn. Đây cũng là lần đầu tiên Hội có đại diện là Chủ tịch Hội ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XII (2007 - 2011).

Nhiệm kỳ III bắt đầu trong thời kỳ đầy khó khăn và biến động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tác động không nhỏ đến hoạt động vận động của Hội. Nhưng, bằng quyết tâm mạnh mẽ của Ban chấp hành Trung ương Hội cùng những nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, viên chức Hội các cấp, nguồn lực do Hội vận động vẫn tăng theo từng năm. Kết thúc nhiệm kỳ, số tiền và hiện vật quy ra tiền vận động đạt 488,8 tỷ đồng, vượt rất xa so với chỉ tiêu đặt ra.

Với nguồn lực này, Hội đã tổ chức trợ giúp cho trên 1,2 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và người nghèo cả nước hưởng lợi thông qua các chương trình bảo trợ của Hội. Các tổ chức thành viên của Hội không ngừng sáng tạo, phát huy mọi tiềm năng, ý tưởng, tổ chức thành công nhiều hoạt động, nhiều chuyên đề được Nhà nước, chính quyền địa phương, nhà tài trợ và người hưởng lợi ghi nhận, tin tưởng.

Hội đã giành nhiều thời gian, đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi; bám sát hơn các chương trình, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ , các cuộc vận động, phong trào của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, gắn hoạt động Hội với nhiệm vụ Nhà nước như: Đề án trợ giúp người tàn tật và Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 2006 – 2010, Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015… Trong quá trình triển khai hoạt động, Hội luôn chú trọng lồng ghép các nội dung trên vào chương trình, kế hoạch cụ thể của mình.

Nhiệm kỳ III tiếp tục kế thừa và phát triển 5 chương trình trọng tâm đã được đề ra từ nhiệm kỳ trước, nhưng ở cấp độ sâu rộng hơn. Hội đã có bước chuyển biến quan trọng trong việc đổi mới phương thức hoạt động bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi. Cùng với việc quan tâm giải quyết  những vấn đề bức xúc, cấp thiết cho đối tượng, chú ý đến những công tác trọng tâm, địa bàn trọng điểm, Hội đã đặt ra việc hoạt động đảm bảo  chất lượng, hiệu quả và mang tính bền vững, trong đó Chương trình dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động khuyết tật được tập trung hơn với nhiều hình thức thực hiện.

Nắm bắt kịp thời chương trình hành động của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Trung ương Hội đã triển khai và dành ưu tiên nguồn lực tổ chức “Thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi” và sau đó quyết định mở ra chương trình thứ sáu “Hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới” với những nội dung, hình thức trợ giúp cụ thể, gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng và khả năng của nguồn lực vận động được. Các hoạt động bảo trợ khác như: xây mới, sửa chữa nhà tình thương, khám bệnh, cấp thuốc, hỗ trợ học tập, trợ cấp xã hội, thăm hỏi tặng quà…. tiếp tục được các cấp Hội tổ chức ở quy mô rộng hơn, số người hưởng lợi nhiều hơn, phương thức hoạt động phong phú và đa dạng hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của đối tượng và yêu cầu của nhà tài trợ. Một số tỉnh, thành Hội có thêm chương trình hỗ trợ mổ tim cho các bệnh nhân nghèo , bếp ăn từ thiện, góc học tập, phát hiện bồi dưỡng bàn tay vàng,... kết quả hoạt động của Hội đã thực sự góp phần vào chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi trong cả nước.

Giai đoạn này thành lập thêm được 4 tỉnh Hội với tổng số 41/63 tỉnh, thành có tổ chức Hội. Đã thực hiện được hai dự án “Nâng cao năng lực truyền thông về bình đẳng giới và chăm sóc sức khoẻ sinh sản” (năm 2008 – 2009) ở Thanh Hoá” và dự án “Nâng cao năng lực cán bộ tình nguyện viên ASVHO” (năm 2009 - 2011) ở 2 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Hoạt động của các dự án này đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ ở một số tỉnh thành Hội.

Công tác đối ngoại nhân dân đã được các tỉnh, thành Hội phát triển lên một bước mới với số tổ chức nước ngoài đặt quan hệ hợp tác nhiều hơn.

Nhiệm kỳ IV (2012 - 2017):

Trong giai đoạn này, đã có nhiều sự kiện, chính sách lớn mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống của cộng đồng người khuyết tật, trẻ mồ côi như: Chiến lược Inchoen giai đoạn 2013 - 2022 nhằm “hiện thực hóa quyền” cho NKT khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Quốc hội phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của NKT;  Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, Quyết định 647/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020; Quyết định  số 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của NKT, Quyết định số 536/QĐ-TTg ngày 4/4/2016 phê duyệt danh mục dự án “Thúc đẩy quyền của người khuyết tật Việt Nam”…

Nhiệm kỳ IV, lãnh đạo Hội gồm Chủ tịch Trung ương Hội là ông Nguyễn Đình Liêu và các Phó Chủ tịch: ông Lương Phan Cừ, bà Hoàng Diệu Tuyết và ông Phan Văn Lộc (được bầu bổ sung tháng 1/2014) bằng kinh nghiệm lãnh đạo, sự am hiểu về chính sách pháp luật, lòng nhiệt tình, tâm huyết… đã kịp thời cùng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đưa ra những quyết sách, hướng đi phù hợp cho công tác Hội trong tình hình mới, được các tỉnh, thành Hội thành viên trong cả nước ủng hộ, hưởng ứng; giúp Hội có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện về cả chiều rộng và chiều sâu. Việc chủ động đón đầu, tham gia thực hiện nội dung các chính sách Nhà nước về lĩnh vực người khuyết tật, trẻ mồ côi đã cho thấy tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo Hội để bắt kịp xu thế trợ giúp xã hội cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của đối tượng.

Nhiệm kỳ IV ghi nhận sự đột phá trong công tác vận động các nguồn lực xã hội với số tiền và hiện vật quy ra tiền hơn 1.862 tỷ đồng, vượt xa so với chỉ tiêu 250 tỷ đồng mà Đại hội IV đề ra. Từ nguồn vận động được, Hội đã trợ giúp cho hơn 8 triệu  lượt người được hưởng lợi, góp phần cải thiện cuộc sống. Con số này đã phần nào phản ánh hiệu quả hoạt động Hội cũng như sự quyết tâm, nỗ lực, năng động của đội ngũ những người làm công tác Hội từ TƯ đến địa phương, cơ sở cũng như sự quan tâm, ủng hộ tích cực của Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và người yếu thế khác.

Các chương trình, hoạt động của Trung ương Hội và các tổ chức thành viên ngày càng đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả có tính thực tiễn, bền vững, góp phần chuyển hướng tiếp cận từ nhân đạo, từ thiện đơn thuần sang cách tiếp cận dựa trên quyền. Sáu chương trình hoạt động bảo trợ trọng tâm được Hội tiếp tục đẩy mạnh và có bước phát triển; nhiều tỉnh, thành Hội từ tình hình thực tế và nhu cầu trợ giúp tại địa phương đã có những sáng tạo, năng động trong hoạt động, khởi xướng thêm nhiều nội dung trợ giúp mới gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của nhà nước, tạo ra bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức và hành động cho toàn tổ chức Hội. Bằng sự đa dạng trong hoạt động của mình, các cấp Hội đã tham gia thực hiện nhiều phong trào thi đua mà Đảng, Nhà nước, UBMTTQVN phát động như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Bảo hiểm y tế toàn dân; Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, hỗ trợ đồng bào các tỉnh thành bị thiệt hại do thiên tai...

Công tác tổ chức Hội, tập huấn nâng cao năng lực được quan tâm thực hiện. Hội đã thành lập và kết nạp thêm 5 tổ chức thành viên Hội cấp tỉnh, 41 Hội cấp huyện, 244 hội cấp xã, phường, nâng số địa phương có tổ chức Hội lên 46/63 tỉnh, thành. TW Hội và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ, viên chức  của Hội, bám sát nội dung liên quan đến NKT, TMC như: Luật người khuyết tật, Công ước về quyền của NKT; Đề án 1019, Luật Trẻ em đã được Quốc hội thông qua, Đề án phát triển nghề CTXH...

Nhiệm kỳ V (2017 - 2022):

Về môi trường pháp lý và xã hội, đây là giai đoạn cuối của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước 10 năm (2010 – 2020) và khởi đầu cho chiến lược phát triển đến 2030, tầm nhìn 2050. Là giai đoạn cuối của các chương trình, Đề án lớn của Chính phủ và thủ tướng Chính phủ như Đề án 1019, Đề án 1215, Đề án 32,  Kế hoạch thực hiện Công ước Quốc tế về NKT… An sinh xã hội được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, như Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật cùng việc phê duyệt hàng loạt chương trình, đề án mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức trợ giúp hàng tháng, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, môi trường, nhà ở, thông tin… Những chính sách đó thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích người khuyết tật, trẻ mồ côi đồng thời tiếp tục đặt ra cho Hội nhiều cơ hội cũng như thách thức trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong thời kỳ thiên tai, dịch bệnh nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ qua: lũ lụt nặng nề ở ở khu vực Miền Trung năm 2020, đại dịch covid từ đầu năm 2020 đến nay.

Nhiệm kỳ V, lãnh đạo Hội gồm Chủ tịch Trung ương Hội là ông Lương Phan Cừ, các Phó Chủ tịch Hội: ông Nguyễn Trọng Đàm, bà Hà Thị Liên và ông Đỗ Mạnh Hùng (được bầu bổ sung tháng 7/2021) đều là những cán bộ lãnh đạo cấp cao có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng và thực thi chính sách xã hội, vận động nhân dân… đã có định hướng, quyết sách đưa hoạt động Hội có những bước phát triển mới, làm sâu sắc thêm sự gắn kết TW Hội với các Hội địa phương, Hội địa phương với hội địa phương,  phù hợp với xu thế, nhu cầu trợ giúp của đối tượng cũng như những thay đổi về tổ chức Hội trong tình hình mới.

Các chương trình, hoạt động của Hội đã có bước phát triển mạnh, đa dạng, hiệu quả, sâu sắc hơn góp phần nâng cao trị giá vận động, chia sẻ và lan tỏa mạnh mẽ giá trị nhân văn tới cộng đồng, thực hiện chính sách xã hội hóa trong công tác bảo trợ người yếu thế. Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ  từ trong nước và ngoài nước bằng tiền mặt và hiện vật quy ra tiền là hơn 2.500 tỷ đồng (NSNN trợ giúp chiếm 6-7% so với tổng trị giá vận động được hàng năm), trợ giúp cho 13,7 triệu lượt người. Con số này cho cho thấy hiệu quả hoạt động thiết thực cũng như sự đóng góp tích cực của Hội trong công tác vận động xã hội hóa để đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TW và địa phương. Một điểm mới là Hội đã tăng cường kết nối cộng đồng tạo sức mạnh trong hoạt động thông qua ứng dụng mạng xã hội, công nghệ thông tin.

Hoạt động Hội trong nhiệm kỳ này kết hợp cả truyền thống và thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh mới. Hoạt động trợ giúp toàn diện và chuyển hướng mạnh sang trợ giúp mang tính bền vững, trao cơ hội nhiều hơn là trao quà tặng. Hội chú trọng nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực để đối tượng tự vươn lên và hòa nhập. Đây cũng là nhiệm kỳ mà hoạt động xây dựng chính sách, phản biện xã hội, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho đối tượng được các cấp Hội triển khai tích cực. Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã tham gia góp ý, xây dựng, hoàn thiện nhiều chính sách, văn bản pháp luật; thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NKT, TMC, tư vấn, giải đáp các thắc mắc, yêu cầu trợ giúp của đối tượng. Nhiều tỉnh thành Hội đã triển khai công tác trợ giúp pháp lý, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức giám sát, đề xuất giải quyết cho NKT hưởng trợ cấp xã hội theo quy định. Qua đó đã góp phần thúc đẩy nâng cao nhận thức về NKT, nâng cao năng lực của NKT để họ tự vươn lên, thể hiện bước chuyển rõ nét từ tiếp cận trên cơ sở nhân đạo, từ thiện đơn thuần sang cách tiếp cận dựa trên quyền của đối tượng.

TW Hội và Hội thành viên ở địa phương tiếp tục quan tâm củng cố, xây dựng tổ chức hội trên cơ sở mục tiêu hoạt động của Hội, song tổ chức linh hoạt, thích ứng với tình hình cụ thể ở mỗi tổ chức thành viên; đồng thời nâng cao năng lực, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ từ lãnh đạo đến cán bộ, viên chức  của Hội. Việc tập trung nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ, hội viên còn để chủ động thích ứng với điều kiện khi Nhà nước thay đổi cơ chế với Hội đặc thù. Đây là nhiệm kỳ mà tổ chức Hội ở địa phương có nhiều thay đổi khi hoạt động Hội đối diện với những khó khăn trong vấn đề sắp xếp, sáp nhập, đổi tên, bổ sung chức năng nhiệm vụ, đối tượng. Nhiệm kỳ V, Hội không phát triển được thêm tổ chức Hội cấp tỉnh và do việc sắp xếp lại tổ chức Hội ở địa phương đã có 01 tỉnh Hội (Hà Nam) sáp nhập vào Hội CTĐ và coi như bị giải thể nên hiện cả nước còn 45/63 tỉnh, thành có tổ chức Hội là thành viên của Hội. Mặc dù vậy, kết quả hoạt động của nhiệm kỳ V đã cho thấy sự nhuần nhuyễn, tính hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội, sự gắn kết trong hệ thống hội từ TW đến cơ sở trong việc thực hiện sứ mệnh của mình.

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG 30 NĂM QUA

30 năm hoạt động, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới hoạt động để ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò của một tổ chức xã hội từ thiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi. Bằng những chương trình, hoạt động cụ thể, hiệu quả, hướng tới sự bền vững, Hội đã thu hút nguồn lực, tiềm năng của xã hội, cộng đồng, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ở Trung ương và địa phương, tham gia lãnh đạo, hoạt động Hội, góp phần giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và người khó khăn trong cả nước cải thiện cuộc sống, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng, tham gia các hoạt động xã hội, thực sự hòa nhập cộng đồng. Dấu ấn ghi nhận sự trưởng thành, lớn mạnh của Hội không gì thuyết phục hơn là con số trị giá vận động được để tổ chức trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, người khó khăn khác được hưởng lợi thông qua các chương trình, dự án trợ giúp Hội thực hiện tăng mạnh theo từng năm. 

Vận động nguồn lực và tổ chức hoạt động trợ giúp

Một trong những nhiệm vụ của Hội là “vận động sự ủng hộ bằng tiền và hiện vật của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật để tổ chức các hoạt động trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi cải thiện đời sống vật chất và tinh thần”.  Xác định công tác vận động nguồn lực xã hội  là yếu tố quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của Hội; Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã luôn đặt sự quan tâm thường xuyên, hàng đầu cho công tác này. Bằng việc đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, bảo trợ, đẩy mạnh phát triển tổ chức, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ , viên chức của Hội từ TW đến cơ sở… Hội đã không ngừng mở rộng quan hệ, tìm kiếm và thu hút nguồn tài trợ, làm cho hoạt động trợ giúp đối tượng của Hội tăng lên theo từng năm, đặc biệt tăng mạnh trong những năm gần đây.

Trong 30 năm qua, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ được tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là hơn 5.385 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 458 tỷ đồng (chiếm khoảng 9% so với tổng quỹ hội vận động được) để thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên và thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao.Từ nguồn lực quý giá đó, Hội triển khai các hoạt động nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết nhất của NKT, TMC trên cơ sở bám sát các chương trình, đề án của Chính phủ, nhiệm vụ Nhà nước và kế hoạch, chỉ tiêu của Hội. Hội đã thực hiện các hoạt động, trợ giúp cho trên 25,8 triệu lượt đối tượng được hưởng lợi.

1.1. Nhóm hoạt động trợ giúp về y tế

- Phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho người mù nghèo: Năm 2002, Việt Nam đã ký cam kết tham gia "Chương trình thị giác 2020: Quyền được nhìn thấy", do Tổ chức Y tế Thế giới phát động, thông qua Đề án tổng thể về phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt. Thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác phòng chống mù loà trên toàn quốc, Trung ương Hội đã làm việc với Bệnh viện mắt Trung ương và sau khi tổ chức thí điểm, Hội đã xây dựng chương trình phẫu thuật thay thuỷ tinh thể còn tồn đọng cho người mù nghèo với 3000 – 4000 ca/năm. Hội trực tiếp vận động các doanh nghiệp, tổ chức, tài trợ mổ mắt thay thuỷ tinh thể cho người mù do đục thuỷ tinh thể còn khả năng phẫu thuật đem lại ánh sáng, hoàn cảnh khó khăn, không thuộc diện được hưởng bảo hiểm y tế  và chưa được tổ chức nào tài trợ phẫu thuật. Hội bắt đầu thực hiện chương trình này từ nhiệm kỳ II, đến nay đã phối hợp phẫu thuật mắt cho 161.000 lượt người mù với số tiền trị giá gần 308,4 tỷ đồng.

- Phẫu thuật, chỉnh hình phục hồi chức năng cho NKT vận động: Với số NKT vận động chiếm tới 30% tổng số NKT, nhu cầu chỉnh hình, phục hồi chức năng vận động của NKT ở nước ta là rất lớn. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, Hội đã sớm triển khai các hoạt động trợ giúp NKT phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp các dụng cụ hỗ trợ. 30 năm qua, các cấp Hội đã phẫu thuật cho 21.128 lượt người, trị giá gần 73 tỷ đồng. Chương trình này của Hội đã giúp cho người khuyết tật vận động có cơ hội trở lại sinh hoạt, học tập, lao động bình thường, hòa nhập cộng đồng.

- Phẫu thuật tim bẩm sinh: Một số tỉnh, thành Hội do tình hình thực tế địa phương có thêm nhiệm vụ bảo trợ đối tượng bệnh nhân nghèo đã khởi xướng và tổ chức chương trình phẫu thuật cho bệnh nhân tim bẩm sinh. Đến nay, Hội đã hỗ trợ mổ tim cho 6.700 người, trong đó có 80% số ca là trẻ em, với tổng số tiền trên 312 tỷ đồng.

- Hoạt động trợ giúp về y tế còn được Hội quan tâm thực hiện thông qua việc phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 2.705 triệu lượt người với kinh phí trên 302 tỷ đồng. Đặc biệt, Hội đã tích cực tham gia thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020. Trong 2 nhiệm kỳ IV, V (từ 2012 – 2022), các tổ chức của Hội đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho 302.000 lượt người NKT, TMC và một số đối tượng khác thuộc hộ cận nghèo với số tiền gần 44 tỷ đồng.

1.2. Nhóm trợ giúp về phương tiện đi lại

- Tặng xe lăn, xe lắc cho NKT: Tạo điều kiện cho NKT vận động thuận lợi hơn trong việc di chuyển, hòa nhập cộng đồng, giảm bớt sự phụ thuộc vào người khác; Hội đã sớm triển khai các hoạt động tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ trợ giúp cho đối tượng. Qua từng giai đoạn, Hội lại có những phương thức, mục tiêu khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình. Trong nhiệm kỳ III, chương trình được thực hiện theo phương thức “Trung ương Hội tập trung hỗ trợ, địa phương đảm bảo đối ứng một phần”; sang nhiệm kỳ IV, Hội lại chú trọng triển khai chương trình “xe lăn và đường tiếp cận”, quan tâm tới địa bàn nông thôn, đặc biệt là các xã xây dựng nông thôn mới để góp phần nâng tỷ lệ người khuyết tật được hưởng lợi từ cuộc vận động này. 30năm qua, Hội đã tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ hỗ trợ cho 160.000 lượt người và hàng chục ngàn đường tiếp cận với tổng trị giá gần 300 tỷ đồng.

- Tặng xe đạp cho trẻ mồ côi: Từ nhiệm kỳ III, bên cạnh học bổng, Hội đã triển khai hoạt động tặng xe đạp cho trẻ mồ côi, khuyết tật còn khả năng sử dụng nhằm hỗ trợ các em trong việc đến trường. Đến nay, Hội đã tặng xe đạp cho 53.572 lượt trẻ mồ côi, khuyết tật, con thương binh, con liệt sĩ với tổng trị giá 71,7 tỷ đồng.

1.3. Nhóm trợ giúp cải thiện sinh hoạt khác

- Hội đã xây mới, sửa chữa 17.000 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho NKT, TMC nghèo với số tiền trên 400 tỷ đồng.

- Trợ cấp thường xuyên cho trên 325.000 người với tổng số tiền 154,5 tỷ đồng (ngoài trợ cấp của Nhà nước).

- Tặng 171.553 suất học bổng, với tổng trị giá 154 tỷ đồng. Đặc biệt nhiều tỉnh, thành Hội đã  triển khai và mở rộng việc tặng học bổng thường xuyên cho HSSV nghèo, tạo thuận lợi, ổn định hơn cho các em thực hiện được ước mơ học tập của mình.

- Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trên 4,8 triệu lượt người, với tổng số tiền chi là 1.050 triệu đồng.

1.4. Nhóm trợ giúp sinh kế, giảm nghèo

- Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và thu nhập không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần mà còn có tác động tích cực đến sự tự chủ trong cuộc sống, giúp NKT xóa bớt mặc cảm, khẳng định năng lực, giá trị của mình đối với gia đình, xã hội. Vì vậy, Hội tổ chức nhiều hình thức dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương và đối tượng. 30 năm qua, Hội đã dạy nghề cho 34.900 lượt người, với tổng kinh phí 116,3 tỷ đồng với tỷ lệ có việc làm luôn đạt trên 70%.

- Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình bằng việc hỗ trợ vay vốn cho gần 11.000 lượt người, trị giá trên 52 tỷ đồng; hỗ trợ vật nuôi cho 6.600 hộ gia đình, trị giá 37 tỷ đồng

1.5. Hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới; Tham gia ứng phó biến đổi khí hậu.

Sự phát triển của xã hội, nhu cầu của đối tượng và tình hình thực tế mỗi địa phương qua từng giai đoạn đã đặt ra cho hoạt động Hội có những điều chỉnh, bổ sung hoạt động trợ giúp cho phù hợp. Hưởng ứng phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Trung ương Hội đã đề ra chương trình thứ 6 “Hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới”, mở ra một hướng đi mới trong công tác trợ giúp cho đối tượng. NKT, TMC không chỉ được tạo cơ hội thoát nghèo mà còn được cải thiện sinh hoạt: xây nhà, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt, xây đường tiếp cận, tặng bò, lợn (heo), hỗ trợ thức ăn chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng làm kinh tế gia đình... Đặc biệt có một số tỉnh tỉnh Hội còn tham gia hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai có thể tác động đến đời sống đối tượng.

Tính đến năm 2021, với sự hỗ trợ của Nhà nước, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đóng góp của gia đình, dòng họ và Quỹ Hội, các tổ chức Hội đã triển khai hỗ trợ NKT, TMC tại 483 xã xây dựng nông thôn mới, trợ giúp cho 54.000 lượt người hưởng lợi cùng với các hoạt động thông tin tuyên truyền, nhiều công trình hạ tầng, nhu cầu sinh hoạt khác với tổng số kinh phí 249 tỷ đồng. Chương trình đã góp phần tích cực, có hiệu quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: nhà ở dân cư, thu nhập, giảm nghèo, giáo dục, chuẩn y tế quốc gia, môi trường...

1.6. Hoạt động hỗ trợ người bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, bão lũ

Nhiệm kỳ V của Hội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn bởi thiên tai và dịch bệnh Covid-19. Năm 2020 - 2021, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã vận động được cả bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị là 68 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1,152 triệu lượt người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động tặng quà, khẩu trang, nước sát khuẩn, gạo... được Trung ương Hội và nhiều tỉnh, thành Hội tích cực triển khai. Các tổ chức thành viên và mỗi cán bộ Hội đều có đóng góp hưởng ứng phát động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về ủng hộ công tác phòng chống dịch, ủng hộ quỹ vắcxin....

Với tinh thần tương thân tương ái, các tỉnh, thành Hội luôn duy trì hoạt động trợ giúp lẫn nhau đối với đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai. Nhiều tỉnh, thành Hội như Lâm Đồng, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng và cá nhân như Thượng tọa Thích Định Tánh - Ủy viên BCH Trung ương Hội, Trụ trì chùa Cẩm Phong (Tây Ninh), nhạc sĩ Minh Khang, Qũy “Đứa bé và những người bạn”... đã thường xuyên tổ chức các chuyến đi cứu trợ cho các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, mưa lũ. Thông qua hoạt động này, uy tín và vai trò của Hội được khẳng định đồng thời tạo thêm sự gắn bó, đoàn kết, chia sẻ giữa các tỉnh, thành Hội để cùng nhau làm tốt hơn công tác trợ giúp người yếu thế.

1.7. Các hoạt động khác

Ngoài việc tập trung thực hiện 6 chương trình trọng tâm cùng một số hoạt động trợ giúp đối tượng nêu trên, các tổ chức của Hội đã mở rộng, thực hiện một số hoạt động trợ giúp khác như: tặng máy tính, dụng cụ sản xuất, tổ chức bếp cơm tình thương, xây trường học, xây cầu, tặng góc học tập, nuôi dưỡng, trợ giúp NKT, TMC, người già, người nghèo, trợ cấp đột xuất, hỗ trợ mai táng với tổng số tiền là 630,4 tỷ đồng.

Đoàn kết, khích lệ, động viên tổ chức cá nhân nhà tài trợ, NKT, TMC và tuyên truyền nâng cao nhận thức

Với nguồn lực quý báu về con người và tổ chức, cán bộ Hội có mặt ở nhiều địa phương, cơ sở, đi đến những vùng khó khăn xa xôi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu và hoàn cảnh của đối tượng, từ đó đưa ra những giải pháp vận động, trợ giúp kịp thời. Từ những hoạt động trợ giúp thiết thực, tổ chức Hội đã trở thành địa chỉ tin cậy, người bạn đồng hành của tổ chức, cá nhân tài trợ và  NKT, TMC.

Khả năng của NKT và những đóng góp của họ vào sự phát triển của xã hội là rất lớn, nhưng nhận thức của cộng đồng và chính bản thân NKT về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Vì vậy Hội đặc biệt quan tâm, thực hiện các chương trình nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật. Nhân các dịp kỷ niệm như Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/04, Ngày quốc tế NKT 3/12 … TW Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và một số đơn vị tổ chức nhiều hoạt động đa dạng mang tính toàn quốc như: Hội nghị biểu dương NKT, TMC và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc định kỳ ba năm một lần; Chương trình truyền hình trực tiếp “Một trái tim - Một thế giới” thường niên; Hội thi tiếng hát của người khuyết tật với chủ đề “Những trái tim khát vọng”; Chương trình đi bộ vì người khuyết tật… cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tặng quà khác cho thương binh, trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em nghèo nhân Ngày Thương binh – Liệt sỹ, Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu…góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như góp phần bảo đảm quyền của NKT, trẻ mồ côi trong tham gia và hưởng thụ.

Từ Chương trình “Một trái tim - một thế giới” của Trung ương Hội khởi xướng năm 2004, các tỉnh, thành Hội đã sáng tạo, phát huy, tổ chức nhiều chương trình định kỳ hàng năm như  “Mở rộng vòng tay nhân ái” của Hà Nội, “Nối vòng tay nhân ái” của Quảng Trị, Bắc Giang, “Cây mùa xuân” của TP.Hồ Chí Minh, “Nối rộng vòng tay nhân ái vì NKT, TMC” của Quảng Ninh, “Những trái tim hồng” của Đà Nẵng, “Trái tim nhân ái” của Kon Tum và Thái Bình, “Đồng hành cùng NKT” của Bình Phước, “Trái tim nhân hậu” của Hải Phòng, “Thắp sáng niềm tin và tấm lòng nhân ái” của Thanh Hoá, “Một trái tim - những tấm lòng” của Quảng Trị, “Lòng nhân ái với NKT, TMC” của Gia Lai, “Ngày hội của cộng đồng” của Quảng Nam… Tiếp thu cách thức tổ chức Hội nghị biểu dương NKT, TMC, người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc của Trung ương Hội, đến nay rất nhiều tỉnh, thành Hội trong cả nước đã tổ chức được các Hội nghị, Lễ tuyên dương để kịp thời động viên, khích lệ, tri ân các nhà tài trợ, hảo tâm, giàu lòng nhân ái và NKT, TMC cố gắng, vươn lên trong cuộc sống.

Đời sống tinh thần của đối tượng còn được các cấp Hội quan tâm, chăm lo thể hiện qua các chương trình đa dạng như: Giải thể thao NKT; Hội thi văn nghệ, Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Hội thi Bàn tay Vàng, Hội thi gói bánh chưng dành cho NKT. Nhiều tỉnh, thành Hội đã xây dựng được chuyên mục, chuyên trang định kỳ tuyên truyền về NKT, TMC trên đài truyền hình, báo địa phương…

Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội tiếp tục phát triển trang thông tin điện tử thành kênh thông tin quan trọng tuyên truyền hoạt động Hội, về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT, TMC, vận động, khai thác các nguồn tài trợ cho quỹ Hội.  Tạp chí Người bảo trợ đã phát hành 363 số, góp phần tuyên truyền chính sách về NKT, TMC, nêu gương điển hình, biểu gương người tốt việc tốt. Thời gian gần đây, Tạp chí đã nỗ lực mở nhiều chuyên mục ( Tham gia nghiên cứu, học tập, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Hướng tới Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Hội; Tham gia xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo…) với nhiều bài viết có tính chất nghiên cứu sâu, được nhiều cán bộ Hội và người đọc quan tâm.

Bằng sự tích cực, sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã góp phần nâng cao hình ảnh, khẳng định vị thế, vai trò của Hội, tạo niềm tin cũng như thu hút  sự quan tâm, ủng hộ của các nhà tài trợ và cộng đồng dành cho công tác trợ giúp NKT, TMC. Đồng thời, thông qua các hoạt động này cũng góp phần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá và tiếp cận vấn đề người khuyết tật, trẻ mồ côi; thừa nhận và tôn vinh năng lực của nhóm đối tượng này. Sự thay đổi đó tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về NKT, TMC ngày càng hiệu quả hơn.

Xây dựng chính sách, phản biện xã hội, tư vấn, trợ giúp pháp lý

Hội đã từng bước đẩy mạnh việc tham gia xây dựng chính sách, phản biện xã hội cũng như việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng. Với thuận lợi có mạng lưới tổ chức ở các cấp, hoạt động Hội bám sát với nhu cầu của đối tượng, nắm bắt những khó khăn vướng mắc, nguyện vọng của người khuyết tật, trẻ mồ côi để từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách.

- Tham gia xây dựng pháp luật: Hội đã tham gia góp ý, xây dựng Hiến pháp 2013 ; Luật trẻ em ; Luật về Hội ; Bộ luật hình sự, dân sự (sửa đổi) ; Luật Nuôi con nuôi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Chữ thập đỏ; Luật Người cao tuổi. Tham gia Ban soạn thảo và tổ biên tập: Luật Người khuyết tật; Nghị định hướng dẫn thi hành một điều của Luật NKT; Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2011 – 2020, Kế hoạch trợ giúp NKT giai đoạn 2021 – 2030; Nghị định về chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực NKT … Tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung về chính sách trong một số lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội,  y tế, giáo dục, xây dựng, giao thông…; Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban quốc gia về NKT Việt Nam; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch hoạt động của Uỷ ban quốc gia về NKT giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển y tế lao động xã hội đến năm 2030; Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021- 2025, Đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Hồ sơ trình Thủ tướng chính phủ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đề xuất Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh bảo vệ quyền tiếp cận tác phẩm của người khiếm thị….   và nhiều văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành. Các tỉnh, thành Hội cũng tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan ở địa phương.

- Giám sát, phản biện xã hội: Hội đã xây dựng báo cáo 10 năm thực hiện Luật Người khuyết tật; có tham luận, báo cáo chuyên đề ở những Hội nghị, Hội thảo về các đề tài như: “Việc làm cho NKT và kiến nghị hoàn thiện chính sách”; “NKT và khả năng tự vươn lên”, “Những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền của NKT”; “Quyền của nhóm dễ bị tổn thương – một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992”; tham luận về vấn đề việc làm cho NKT tại Diễn đàn Người khuyết tật Châu Á – Thái Bình Dương; Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện công ước Quốc tế về NKT… Nhằm góp phần tham gia tiếng nói xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về NKT, Trung ương Hội đã triển khai hoạt động điều tra, khảo sát về đường tiếp cận (năm 2020) tại 45 tỉnh, thành phố và Khảo sát việc làm cho  NKT tại cộng đồng (năm 2021) tại 15 tỉnh, thành phố.

- Hội đã thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NKT, TMC, tư vấn, giải đáp các thắc mắc, yêu cầu trợ giúp qua điện thoại, văn bản, đến trực tiếp tại Hội.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và đối ngoại nhân dân

Trải qua 30 năm hoạt động, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã trở thành đối tác tin cậy trong hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài vì mục tiêu trợ giúp, nâng cao đời sống đối tượng. Đến nay, các tổ chức của Hội đã có quan hệ hợp tác với khoảng 150 tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hoạt động tìm kiếm đối tác, nhà tài trợ không chỉ góp phần tăng nguồn ủng hộ Quỹ thông qua hoạt động hợp tác tài trợ, triển khai các dự án trợ giúp NKT, TMC, Hội đã phát huy tốt vai trò của tổ chức xã hội trong việc tham gia công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Phát triển tổ chức Hội

Bài học kinh nghiệm về công tác phát triển tổ chức từ nhiệm kỳ I đã được Hội luôn quan tâm, chú ý trong suốt quá trình hoạt động. Các cấp Hội đã luôn chú trọng đến công tác phát triển, xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, bằng các hoạt động cụ thể như:  Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng “hành chính hoá”, tổ chức hiệu quả các hoạt động trợ giúp đối tượng; Phát huy vai trò chủ động tham gia, đề xuất với Nhà nước về chủ trương, chính sách liên quan đến NKT, TMC, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò kết nối, tập hợp rộng rãi các thành phần, lực lượng xã hội, huy động nguồn lực về cả tinh thần và vật chất để chăm lo cho đối tượng; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất, phương pháp vận động xã hội… cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp.

Những năm gần đây, vấn đề sắp xếp, sáp nhập, đổi tên, bổ sung chức năng nhiệm vụ, đối tượng… dẫn đến sự thay đổi, xáo trộn, tạo ra nhiều khó khăn, bất cập trong công tác tổ chức, hoạt động Hội. Dù vậy, TW Hội và các tổ chức thành viên vẫn dựa trên cơ sở mục tiêu hoạt động để tổ chức linh hoạt, thích ứng với tình hình cụ thể ở mỗi địa phương. Qua đó tạo ra sự chủ động thích ứng với điều kiện mới khi Nhà nước thay đổi cơ chế với Hội đặc thù.

Tính đến hết năm 2021, cả nước có 45 Hội cấp tỉnh, thành; 292 Hội cấp quận, huyện; 2.006 Hội cấp xã, phường; 1.565 chi hội và có 5.938 hội viên tập thể; 566.335 hội viên cá nhân. Công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ, viên chức  của Hội đã thường xuyên được các cấp Hội tổ chức, bám sát nội dung liên quan đến NKT, TMC như: Luật người khuyết tật, Công ước về quyền của NKT; nội dung liên quan đến “Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp NKT” trong Đề án 1019, Đề án 1190 và Đề án phát triển nghề CTXH và các nội dung liên quan khác...

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Kết quả đạt được:

- Trong quá trình hoạt động, Hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để Hội phát huy khả năng, thế mạnh, đóng góp vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Hội cũng được Nhà nước tin tưởng, lựa chọn để giao thực hiện một số nhiệm vụ chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi. Hội vừa là kênh thông tin, tuyên truyền vừa là kênh phản biện xã hội, góp ý, đề xuất với các cơ quan Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi nói riêng, an sinh xã hội nói chung.

- Bằng uy tín, sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động, Hội cũng trở thành đối tác tin cậy của các nhà tài trợ. Qua đó, Hội đã huy động được sự ủng hộ về vật chất, tinh thần, nhân lực từ cộng đồng, xã hội với mức huy động tăng lên theo từng năm.

- Thông qua các chương trình do Hội khởi xướng, thực hiện đã  góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và bản thân người khuyết tật, trẻ mồ côi; động viên, khích lệ khả năng, sự tự tin và ý chí vươn lên của đối tượng, hòa nhập cộng đồng.

- Hội có đội ngũ người làm công tác Hội nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, có chuyên môn và gắn bó với nghề công tác xã hội; đặc biệt là các thế hệ cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm, uy tín đã dẫn dắt hoạt động Hội vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; gặt hái những thành công nhất định, khẳng định vị thế và uy tín của Hội. 

- Hội đã kịp thời nắm bắt được xu hướng phát triển trong công tác bảo trợ xã hội nói chung và trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi nói riêng, từng bước chuyển hướng, đổi mới phương thức hoạt động để đảm bảo tính hiệu quả và đáp ứng nhu cầu đối tượng; trong đó đặc biệt là việc chuyển từ trợ giúp nhân đạo từ thiện đơn thuần sang tiếp cận ở góc độ quyền của người khuyết tật, trẻ em mồ côi; từ trợ giúp mang tính thời điểm sang kết hợp trợ giúp lâu dài, bền vững.

Một số hạn chế:

- Công tác thông tin tuyên truyền chưa được thường xuyên, đồng đều. Một số tổ chức Hội chưa quan tâm đến việc tuyên truyền chủ trương chính sách hoặc hình thức tuyên truyền chưa cụ thể và sinh động, chưa mang lại hiệu quả.

- Số lượng và nhu cầu trợ giúp của NKT, TMC ngày càng gia tăng, yêu cầu ngày càng đa dạng; xu thế phát triển đặt ra chuyển phương thức tiếp cận dựa trên quyền của đối tượng trong khi nhận thức, năng lực của cán bộ Hội chưa theo kịp sự thay đổi này...

- Nguồn quỹ vận động từ nước ngoài còn thấp, chưa tương xứng với vị thế, khả năng của Hội. Kinh phí dành cho các chương trình trợ giúp mang tính bền vững còn chiếm tỷ lệ thấp.

Tin liên quan